Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Những địa điểm du lịch tuyệt đẹp cho mùa đông


Băng tuyết là thứ nguyên liệu tuyệt vời để làm nên những lễ hội náo nhiệt của mùa đông. Hãy tới và chiêm ngưỡng băng đăng ở Cáp Nhĩ Tân, trượt tuyết ở dãy An-pơ, và ngắm hiện tượng Bắc Cực quang kỳ diệu ở Alaska...

Lễ hội băng đăng ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Thành phố băng mỗi độ đông về lại trở thành điểm du lịch hút khách. Người dân sẽ lấy những khối băng từ sông Songhua lên và tạo thành những lâu đài, những kim tự tháp lóng lánh như pha lê, ngoài ra những nghệ nhân tạo hình từ khắp nơi trên thế giới còn đổ về đây để trải nghiệm và trổ tài với những tác phẩm tạo hình trên băng đầy ấn tượng.
Những nghệ nhân địa phương thường thích tạo hình rồng, hình tượng Phật, bà tiên… Năm nay, lễ hội khai mạc vào ngày 5/1 và được coi là triển lãm điêu khắc băng đăng cấp thế giới. Những tác phẩm không bao giờ vắng bóng tại lễ hội là Đảo Mặt trời và Vườn đèn hoa đăng lung linh đặt tại công viên Zhaolin.
Lễ hội thả đèn lồng ở Đài Loan
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Từ ngày 23/2 – 10/3 năm 2013, Đài Loan sẽ tổ chức lễ hội đèn lồng. Khi đêm xuống, mỗi ngày trong dịp lễ hội, người dân đều thả hàng ngàn chiếc đèn lồng lên bầu trời. Chiếc đèn trời này được gọi là đèn lồng Khổng Minh bởi nó giống như chiếc mũ mà Khổng Minh (Gia Cát Lượng) xưa vẫn đội. Khi thả đèn bay lên trời, người ta tin rằng hạnh phúc và may mắn sẽ tới.
Công viên quốc gia Ruaha, Tanzania
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Nằm ở vùng Tây Nam của Tanzania, đây là khu vực tham quan nổi tiếng với những chuyến đi xuyên rừng qua những khu vực hoang dã, nguyên sơ và tĩnh lặng nhất trên thế giới. Công viên có những thung lũng và dòng sông chảy qua, khiến nó trở thành môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật. Đến đây, bạn vừa tránh được cái rét mùa đông vừa được ngắm những chú voi và hà mã Châu Phi, cùng vô số những loài động vật đa dạng khác.
Từ tháng 1 cho tới tháng 4 hàng năm ở nơi đây là mùa nắng và ít mưa. Đây là thời điểm thích hợp nhất để du khách tới và nhìn ngắm hơn 570 loài động vật. Những căn lều được dựng lên trong rừng vô cùng sa hoa và tiện nghi, chẳng khác gì khách sạn. Ngoài ra, du khách còn có thể tự lái xe đi tham quan, cũng có thể tự đi bộ hoặc đạp xe xuyên rừng.
Quần đảo Cayman, vùng biển Caribbe
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Đến đây, du khách có thể thả mình trên bãi cát dài ngập nắng và lặn ngụp cùng những loài sinh vật biển và chiêm ngưỡng dải san hô khổng lồ.
Salvador, Bahia, Brazil
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Lễ hội carnival là bữa tiệc khiêu vũ của cả thành phố, ngoài những vũ công điêu luyện và nóng bỏng, còn có những chiếc xe tải được trang hoàng rực rỡ trở những ban nhạc và các DJ làm khuấy động không khí trên mọi ngả đường thành phố Salvador.
Lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ 7/2 đến 13/2. Tại đây, du khách không chỉ thấy sự cuồng nhiệt của vùng Nam Mỹ mà còn thấy cả nét văn hóa Châu Phi với sự tham gia của một số lượng không nhỏ những người gốc Phi sống tại Brazil. Lễ hội carnival của thành phố Salvador đã có lịch sử lâu đời, nó bắt đầu được tổ chức từ năm 1549. Ở đây, ta thấy những màu sắc văn hóa của cả Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Á.
Khu du lịch bên sông Chena, bang Alaska
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Tại khu du lịch ven sông Chena, mỗi độ đông về, du khách sẽ được trượt tuyết hoặc đạp xe xuyên rừng trong không gian tĩnh lặng và nguyên sơ nhất thế giới. Bên cạnh đó, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú nhất hành tinh - Bắc Cực quang hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm tuyệt vời. Những cabin nhỏ ở đây đều có hệ thống sưởi ấm tự động, mọi cửa sổ đều được trổ ra hướng bắc cùng hệ thống chuông báo tự động, khi có hiện tượng Bắc Cực quang, chuông sẽ reo lên để các du khách kịp thời chiêm ngưỡng.
Salzburg, Áo
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Thành phố cổ kính này là nơi gắn liền với những câu chuyện cổ tích về Giáng sinh. Kiến trúc nơi đây khiến Salzburg trở thành vùng đất thần tiên kỳ thú. Bên dãy núi An-pơ hùng vĩ là những lâu đài xây dựng theo phong cách Ba-rốc. Suốt mùa đông, băng giá sẽ phủ dày trên các mái nhà. Thật là một hình ảnh tuyệt diệu của Giáng sinh. Những lễ hội địa phương ở nơi đây kéo dài suốt tháng 12 với hai vị thánh là những nhân vật chính: Thánh Krampus đi dọa những đứa trẻ hư và thánh Nicholas tặng quà cho những em bé ngoan.
Ngoài ra, còn có những đoàn diễu hành ăn mặc theo phong cách rùng rợn tượng trưng cho thánh Krampus, những hội chợ xinh xắn tổ chức tại nhà thờ, quảng trường và các khu chợ địa phương. Trượt tuyết trên dãy An-pơ, uống thứ rượu mạch đen, và ngồi trên chuyến tàu cổ nhất nước Áo để chiêm ngưỡng toàn cảnh vùng núi lúc đông về. Trong dịp này, vùng Salzburg còn tổ chức Tuần lễ nhạc cổ điển Mozart từ ngày 24/1 – 3/2 với nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc của các nghệ sĩ hàng đầu tại Áo.
Công viên quốc gia Yellowstone, Montana, Mỹ
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Từ giữa tháng 12 cho tới đầu tháng 3, công viên quốc gia Yellowstone là một vùng đất kỳ diệu của băng tuyết mùa đông. Bạn có thể đi thăm quan công viên trên đôi giày trượt tuyết hoặc thuê xe trong công viên để lái đi tham quan. Trong công viên này có những loài vật quý hiếm như bò rừng, hươu sừng tấm, cừu hoang, linh dương, chó sói và cáo.
Toronto, Canada
Những lễ hội mùa đông không thể bỏ qua

Trong khoảng thời gian từ 25/1 – 7/2, lễ hội ẩm thực mùa đông sẽ đưa du khách tới với thành phố Toronto, nơi hội tụ sự đa dạng về ẩm thực của khắp các vùng đất trên thế giới. Trong dịp này, hơn 100 nhà hàng cao cấp của thành phố sẽ liên tục mở cửa phục vụ thực khách những thực đơn vừa phải chăng vừa ngon miệng. Bạn nên đặt trước ở trên mạng để đảm bảo có bàn trống cho mình.
Ban ngày là thời gian để thưởng thức món ngon, buổi chiều là lúc để trượt tuyết và buổi tối là thời diểm để vào trung tâm thành phố vui chơi. Trong dịp này, những viện bảo tàng và triển lãm nghệ thuật ở Toronto cũng liên tục mở ra những show triển lãm ấn tượng để thu hút du khách.

Xu hướng du lịch hướng về cộng đồng của các bạn trẻ


Chứng kiến nỗi cực nhọc của học sinh ở một điểm trường vùng cao Hà Giang, nhóm du khách Hà Nội đã góp 50 triệu đồng để xây trường. Hiện các tour du lịch kết hợp làm từ thiện, tình nguyện được bạn trẻ hưởng ứng.

Gần mùa đông, Hương Thu, nhân viên một công ty truyền thông lại tìm đọc bài viết về những xã khó khăn ở vùng cao, rồi cùng nhóm bạn lên kế hoạch du lịch kết hợp giúp đỡ người dân. Không chỉ mang quần áo, sách vở tặng trẻ em, nhóm bạn trẻ còn giúp dân sửa chữa nhà cửa, làm việc nhà...
"Đi du lịch đơn thuần không thích bằng khi mình có cảm giác được cho, được mang lại hạnh phúc, niềm vui cho người khác, giúp họ xóa bớt cảm giác lạnh lẽo khi mùa đông đến", Hương Thu lý giải.
Được tặng một cái kẹo cũng rất đáng quý với trẻ em vùng cao. Ảnh: ĐL
Thường xuyên đưa quà và tổ chức vui chơi cho trẻ em vùng cao các dịp lễ tết, Lê Minh chia sẻ, mùa đông này, anh và nhóm bạn chuẩn bị lên vùng biên giới Mường Lát thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi cư trú của người dân tộc Cơ Tu, đồng bào sống rất nghèo khổ, song trẻ em lại ham học.

"Mỗi dịp 1/6 hay trung thu, tụi mình đều đi thu gom sách vở, quần áo cũ và mang đến cho trẻ em, người dân tộc thiểu số. Chuyến đi không chỉ để trốn cuộc sống căng thẳng ở thành phố mà giúp cả nhóm trải nghiệm về các vùng đất mới, thấy mình có cuộc sống may mắn hơn nhiều người nên muốn sẻ chia", Lê Minh bày tỏ.
Trên nhiều diễn đàn du lịch, các thành viên chia sẻ cho nhau một số địa danh mà cuộc sống người dân còn khó khăn, như: Tà Sì Láng, Trạm Tấu, huyện Phình Hồ (Yên Bái); huyện Bát Xát (Lào Cai); Sài Khao, Mường Lát (Thanh Hóa), xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang)...
Từ những địa chỉ này, tháng 10 vừa qua, một nhóm du khách Hà Nội đã đến với Trường trung học số 3 huyện Mường Phăng (Điện Biên). Để đến trường, đoàn khách phải vượt qua 7 km đường đất khúc khuỷu, chứng kiến những khuôn mặt lấm lem, chân không giày dép song vẫn sáng niềm vui khi gặp khách lạ.
Cô Trần Thị Tuyết, Phó hiệu trưởng, bày tỏ với VnExpress, các em đều thích đến trường song gia đình không có tiền mua sách vở, quần áo. Mỗi lần có đoàn từ thiện lên là các em rất thích, đến trường sớm cả buổi chờ đợi. Tại trường này, phần lớn trang thiết bị của trường là do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ như sách vở, phòng máy tính...
Dù chưa thực sự phát triển nhưng du lịch từ thiện ở Việt Nam đã được nhiều công ty lữ hành triển khai, bước đầu nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, loại hình du lịch này vừa mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, vừa tạo thêm nhiều ý nghĩa, tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch.
Ông Lương Duy Ngân, Giám đốc Trung tâm Newstar Tour, cho rằng chi tiền cho du lịch tại những nơi khó khăn là cách hỗ trợ người dân một cách nhân văn. Ông Ngân kể, du khách không chỉ thăm những địa danh du lịch mà còn đến các bản làng heo hút, thăm những điểm trường vùng cao. Có lần, đơn vị này đưa đoàn du khách Hà Nội đến thăm một điểm trường ở Hà Giang, chứng kiến cảnh trường lớp tạm bợ và sự khốn khó của các em, đoàn khách đã góp ngay 50 triệu đồng để xây dựng điểm trường này được kiên cố.
Tặng quà và giao lưu văn nghệ mang lại nhiều niềm vui cho những đứa trẻ vùng cao. Ảnh: ĐL.
Khi xây dựng sản phẩm tour du lịch từ thiện, các đơn vị lữ hành đều mong muốn là cầu nối đưa nhiều du khách có lòng hảo tâm đến với những bản làng vùng sâu. Hiện các hãng lữ hành lớn như Vietravel, Newstar Tour, Vietran Tour, Hanoi Redtour… đều đã tổ chức loại hình du lịch "đặc biệt" này.
Bà Dương Mai Lan, đại diện Vietravel cho biết, đang kêu gọi khách hàng thân thiết và nhân viên trong công ty đóng góp quần áo cũ, chăn màn, đồ dùng học tập, sách truyện, tiền mặt và tổ chức chương trình "Áo ấm cho em" vào giữa tháng 11 tại Hà Giang. Du khách sẽ cùng cán bộ công ty đi tham quan các điểm du lịch ở Hà Giang, sau đó tặng quà, khám chữa bệnh cho bà con xã biên giới Thắng Mố, huyện Yên Minh.
"Ở vùng cao, trẻ em có một cái kẹo cũng quý. Cứ cuối năm, chúng tôi lại tổ chức một chương trình du lịch kết hợp từ thiện để hỗ trợ người dân tại đây, năm sau hy vọng chương trình này nhân rộng đến nhiều xã nghèo vùng Đông bắc, Tây bắc, miền Trung của tổ quốc", bà Dương Mai Lan, đại diện Vietravel Hà Nội cho biết.

Xếp hạng những địa điểm du lịch hàng đầu châu Á và Thế giới năm 2012

Trang web lữ hành Trip Advisor vừa công bố danh sách các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á và thế giới năm 2012 theo sự lựa chọn của du khách.
Thủ đô Jakarta của Indonesia chiếm vị trí số một tại châu Á trên bảng xếp hạng.

Theo đó, tại châu Á, vị trí số một thuộc về thủ đô Jakarta của Indonesia, tiếp theo là là thủ đô Kathmandu (Nepal), thành phố Kolkata (Ấn Độ), thủ đô Manila (Philippines) và thành phố Bangalore (Ấn Độ).

Trong thông cáo báo chí ngày 13/11, TripAdvisor cho biết bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên cơ sở những điểm du lịch đã có sự phản hồi tích cực nhất của du khách về khách sạn, nhà hàng và các hoạt động trong thành phố, và thu hút sự quan tâm lớn nhất của du khách so với năm trước đó.

Bảng xếp hạng chỉ nêu tên 10 địa điểm dẫn nhất cho các khu vực Châu Á, Nam Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu và trên toàn thế giới.

Người phát ngôn TripAdvisor, bà Jean Ow-Yeong nói rằng "thật thú vị khi Jakarta đứng đầu trong các điểm đến du lịch ở Châu Á, vượt qua cả các điểm đến quen thuộc và nổi tiếng khác trong khu vực như Osaka (Nhật Bản), Kathmandu, Chiang Mai (Thái Lan) và Phnom Penh (Campuchia)."

Năm thành phố Châu Á khác có mặt trong danh sách là Luang Prabang (Lào), Phnom Penh, Chiang Mai, Kobe và Osaka (cùng của Nhật Bản).

Trên toàn thế giới, đứng đầu là Mar del Plata (Argentina), tiếp theo là Sao Paulo (Brazil), Kiev (Ukraine), Montevideo (Uruguay), Perth (Australia), Mexico City (Mexico), Hobart (đảo Tasmania), Guadalajara (Mexico), Moscow (Nga) và Turin (Italy)./.




Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Đà Nẵng: Nỗ lực đưa du lịch thành “điểm sáng”


Trong khi các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, bất động sản gặp nhiều khó khăn thì du lịch lại đang nổi lên như một điểm sáng của kinh tế Đà Nẵng. Sáu tháng đầu năm nay, du lịch Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất.

Trong đó, tổng lượng khách du lịch ước đạt 1,3 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt gần 3000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
Mùa hè là thời điểm thu hút đông khách du lịch nhất của Đà Nẵng, tuy nhiên với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tầm cỡ quốc tế được tổ chức xuyên suốt và liên tục trong một năm cùng với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ giao hòa giữa biển và núi rừng, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế vào mọi thời điểm trong năm.

Bên cạnh khai thác những thế mạnh của thiên nhiên ban tặng và chọn những thời điểm thích hợp để tổ chức các sự kiện, lễ hội tầm quốc gia và quốc tế thì việc mở thêm nhiều đường bay nội địa, hoặc trực tiếp ra nước ngoài cũng tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện truyền thông đã góp phần thu hút đông đảo du khách bốn phương đến với Đà Nẵng.

Một điều đáng ghi nhận là trong suốt thời gian qua, Đà Nẵng đã tăng cường thu hút đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng ven biển cao cấp và khu vui chơi giải trí đa dạng, hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ thị trường, kiểm soát giá cả, ngăn chặn nạn chặt chém, chèo kéo du khách, nạn ăn xin biến tướng. Từ đó đã tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng dịch vụ, và xây dựng được môi trường du lịch văn minh và thân thiện.

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, thì ngoài những nỗ lực trên, Đà Nẵng cần xác định những hướng đi trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt chú trọng đến việc liên kết để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Ông Trần Chí Cường, Phó GĐ Sở VHTTDL Đà Nẵng nhận định: “ Với thị trường nội địa cơ bản ổn, Đà Nẵng hiện đang tập trung phát triển mạnh các thi trường quốc tế, thị trường có tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc…và xúc tiến mạnh những đường bay quốc tế trực tiếp, chú trọng việc liên kết các đơn vị du lịch với các ngành, các đơn vị vận chuyển”

Bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, lượng khách và doanh thu từ du lịch tiếp tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2012 đã khẳng định ngành công nghiệp không khói của Đà Nẵng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nói chung. Hy vọng với sự năng động nhạy bén trong cách làm, ngành du lịch của thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần xây dựng thương hiệu: Thành phố đáng sống nhất Việt Nam./.

Huế khôi phục ngành nghề thủ công trùng tu di tích


Nghề thủ công truyền thống, nhất là với các nghề mộc, chạm khắc gỗ, vôi vữa (nề), đúc đồng, gốm sứ, sơn mài, pháp lam... có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác bảo tồn, trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế.

Nghề mộc thì ở đâu trong thành phố Huế cũng có cơ sở sản xuất, song nổi tiếng nhất vẫn là làng mộc Mỹ Xuyên, nằm cách thành phố Huế 40km về phía Bắc. Người làng Mỹ Xuyên đến nay vẫn còn tự hào về Mộc tượng triều đình Nguyễn Văn Thọ cùng lớp lớp cháu con về một nghề làm nên những chiếc nhà rường xinh xắn cho đến các cung điện nguy nga lộng lẫy, với kỹ thuật và trình độ chạm khắc gỗ hoàn mỹ. Đến nay, sau hơn 200 năm phục dựng
làng nghề, Mỹ Xuyên hiện có hơn 300 người thợ lành nghề sinh sống chủ yếu bằng nghề mộc và chạm khắc gỗ.

Những công trình kiến trúc chạm khắc lộng lẫy từ thời nhà Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay, như hệ thống di tích các kiến trúc gỗ ở Huế, nhà rường cổ ở làng cổ Phước Tích, hay các đình, chùa, miếu, vũ ở nhiều vùng đất miền Trung... đều có bàn tay tài hoa của những người thợ mộc Mỹ Xuyên góp sức tạo nên. Nghề mộc Mỹ Xuyên hiện không những đóng vai trò quan trọng trong trùng tu di tích, mà người thợ ở đây còn nhận hợp đồng làm một số ngôi chùa, và các kiến trúc bằng gỗ khác cho bà con Phật tử ở Canada, Thái Lan, Philippines và Mỹ, do chính những Việt kiều bên ấy mời sang.

Đến Đại Nội, Huế có thể nhận thấy ngay ấn chỉ "Quốc gia chi bảo" giữa sân Hữu Vu và Tả Vu; hoặc "mục sở thị" được giá đỡ quả bồng, giá đỡ chậu quán tẩy, khay đựng mâm quả trầu rượu cẩn xà cừ, chân đèn, cán… trong chốn hoàng cung. Chủ nhân của những sản phẩm này là Nguyễn Hữu Tài, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế.

Nguyễn Hữu Tài gắn bó với nghề chạm khảm, sơn, thếp, đồ mỹ nghệ cao cấp, thu hút được gần 20 thợ giỏi. Anh đã nhận phục chế nhiều nhà rường hàng trăm năm tuổi, những tủ thờ, án thờ cổ cho đến những vật dụng nhỏ cần độ tinh xảo cao. Đến nay anh đã phục chế được hơn 10 căn nhà rường có hàng trăm năm tuổi, một số sản phẩm gỗ cổ truyền Huế, vật dụng của cung đình có tuổi thọ hàng trăm năm.

Đặc biệt, Tài đã cùng những người thợ tài hoa ở Nam Định, Thái Bình, Hà Tây... phục chế thành công bộ án thư (vua Tự Đức); hai chiếc sập sơn son (một của vua nằm, một để ngồi uống trà), hai thanh kiếm cổ thời Tự Đức. Những mặt hàng này sau đó đã được đưa đi triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội.

Đối với sản xuất pháp lam, được trang trí trên công trình kiến trúc ở các phường môn, cổ diềm mái điện, bầu hồ lô tại Hoàng thành, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ… Sau hơn 200 năm thất truyền (từ thời Minh Mạng), mới đây, một số nhóm nghiên cứu và sản xuất đồ pháp lam của tiến sỹ Nguyễn Nhân Đức (Doanh nghiệp Pháp lam Huế) đã phục chế được các sản phẩm pháp lam để trùng tu các di tích cửa phường môn (cầu Trung Đạo, sau cửa Ngọ Môn), cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh (sau điện Thái Hòa), tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) và điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị)...

Công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế tạo ra môi trường thuận lợi cho các ngành nghề thủ công truyền thống phát triển. Qua thực tiễn trùng tu, đội ngũ thợ trẻ không ngừng được đào tạo và dần dần trở thành những thợ giỏi, có thể đảm đương được những công việc có kỹ thuật phức tạp, có tính nghệ thuật cao. Kinh nghiệm từ bà Andrea Teufel - Giám đốc dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức (GCREP) tại Việt Nam, ngoài việc tiến hành phục hồi các bức tranh tường của cung An Định trong một dự án do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, thì việc chuyển giao kỹ thuật cho các nhóm thợ trẻ người địa phương là rất quan trọng.

Chẳng hạn ở dự án này, việc phục hồi các bức tranh tường được thực hiện cốt lõi từ công đoạn đầu tiên là gia cố lớp sơn mỏng bằng keo polyacrylic, sau đó là chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng, dùng xà phòng trung tính anionictensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường.

Sau khi hoàn tất các công đoạn này, các chuyên gia dùng một lớp keo acrylic tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo phương pháp kỹ thuật rigatino (nguyên liệu mang toàn bộ từ Cộng hòa Liên bang Đức sang). Sau khi hoàn thành công trình, dự án còn giúp đào tạo được 20 công nhân lành nghề cho Huế để có thể đảm đương được việc bảo tồn các công trình tương tự tiếp theo.

Tuy nhiên, để các nghề thủ công truyền thống phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có chính sách đào tạo các nghệ nhân là người địa phương, đồng thời tạo cơ hội tốt cho họ làm việc và truyền nghề cho các thế hệ kế cận. Có như vậy, nghề thủ công truyền thống Huế mới phát triển, đáp ứng tốt cho công cuộc trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế.../.

KHUYẾN MÃI HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP BẰNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG


Cam Pu Chia, đất nước của những ngôi chùa Tháp với nền văn hóa Khmer đặc sắc trải dài theo dòng Mê Kông từ Bắc xuống Nam của đất nước. Nằm trên con đường du lịch Đông Nam Á, với khoảng cách từ Phnompenh đến thành phố Hồ Chí Minh chỉ 230 km, nhiều năm qua Cam Pu Chia là điểm đến thu hút du khách Việt bằng đường bộ. Rút ngắn khoảng thời gian di chuyển, thêm sức khỏe cho chuyến đi và khám phá được nhiều hơn, bạn hãy nhanh chân đăng ký hành trình khám phá đất nước chùa Tháp bằng đường hàng không, chỉ với 40 phút đường bay cùng chương trình khuyến mãi tốt nhất từ trước đến nay do công ty FIDITOUR tổ chức. 

 

Đoàn khách FIDITOUR tại Campuchia
Điểm dừng chân đầu tiên chính là thủ đô Phnompenh thơ mộng với những con đường rộng thênh thang bên những hàng cây xanh mướt. Bạn hãy lần lượt khám phá thủ đô từ những dấu tích vàng son còn lưu dấu một thời của các vương triều như: Hoàng cung, chùa Vàng, chùa Bạc, Wat Phnom… Tận hưởng những phút giây thư giãn trong một thành phố thanh bình. Thưởng thức nền ẩm thực độc đáo với vị đậm đà của các loại mắm, các loại côn trùng được chế biến hấp dẫn bán tại các khu chợ và các điểm tham quan, các loại trái cây nhiệt đới tươi ngon và nhiều món ăn khẩu vị khá phù hợp với người Việt.
 
Sân bay Siem Reap với kiểu dáng truyền thống
Nhưng điểm đến thu hút nhất hành trình vẫn là khám phá những ngôi đền Angkor cổ kính nằm ở bên ngoài thành phố Siem Riep. Ngay phút đầu tiên máy bay đáp xuống sân bay Siem Riep đã gây cho bạn những ấn tượng mạnh bởi kiến trúc độc đáo của sân bay với những ngôi nhà có mái hình tháp, rất đặc trưng Cam Pu Chia. Bạn sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị với các ngôi đền cổ kính trong quần thể di tích Angkor với Angkor Wat, Angkor Thom, đền Bayon, đền Papuon, đền Phimeaan Akas, đỉnh Bakheng … mỗi đền mỗi vẻ nhưng đều để lại ấn tượng mạnh với bất kỳ du khách nào ghé thăm bởi những bức phù điêu hoành tráng được chạm trổ trên các bức tường đá, miêu tả những cảnh tượng trong sử thi Ấn Độ với các thần linh nam nữ đang nhảy múa, những điển tích trong kinh điển Bà la môn với trận chiến của thần Sita, những điệu múa của tiên nữ Apsara, những truyền thuyết, huyền thoại về các vị thần Siva…tất cả là sự tuyệt đỉnh của nghệ thuật kiến trúc Khmer cổ với những công trình vĩ đại, thể hiện sức mạnh phi thường và bàn tay điêu luyện của người Khmer cổ đại.
 
Đền Bayon
 Bạn cũng đừng quên thưởng thức vũ điệu Apsara, điệu múa truyền thống nổi bật trong đời sống văn hóa nghệ thuật Khmer, có nguồn gốc từ các nàng tiên Apsara múa cho các vị thần. Trong bộ váy sampot màu vàng quấn sát thân mình, những bước đi uyển chuyển, nhẹ nhàng quyến rũ của các vũ công làm mê hoặc, say đắm lòng người, cho bạn  những giây phút thư giãn, thoải mái sau hành trình khám phá trên đất chùa Tháp.

                                                                                                                        TUYẾT MAI

Tour Phnompenh – Siem Riep 4 ngày, bay hãng Vietnam Airlines 3 chặng TP HCM – Phnompenh – Siem Riep – TP HCM, giá khuyến mãi chỉ 7.650.000 đồng, ở khách sạn 4 – 5 sao, khởi hành 09/8; 23/8/2012 đang triển khai bán tại:

FIDITOUR -  129 Nguyễn Huệ, P. Bến Nghé, Q1
ĐT: 08.3914 14 14
Hotline: 0918 515 079   (Ms Hồng Hải)
              0903. 86 86 85 (Mr Viết Trường)
              0989 213 518    (Mr Xuân Lộc)
              0908 486 441    (Mr Đăng Khoa)
Website: www.fiditour.com

Sa Pa (Lào Cai): Xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách


Mới sáng sớm, bước chân ra đường phố ở thị trấn Sa Pa, chúng tôi đã gặp những người mặc áo xanh, đeo băng đỏ giữa dòng xe cộ đang nhắc nhở người tham gia giao thông và bán hàng tuân thủ quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đó là nhân viên thuộc Đội Quy tắc của thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa) đang làm nhiệm vụ.

Mặc dù là vùng du lịch nổi tiếng, nhưng trong thời gian qua, Sa Pa luôn bị du khách phàn nàn bởi tình trạng người dân địa phương bán hàng rong đeo bám khách, vi phạm hành lang vỉa hè, đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông, đặc biệt là trên các tuyến phố trung tâm thị trấn. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã quyết định thành lập Đội Quy tắc của thị trấn, các nhân viên được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để giữ gìn trật tự trên địa bàn. Đội Quy tắc hiện có 17 người, trong đó 2 lái xe, còn lại là nhân viên tuần tra. Hằng ngày, các nhân viên trong đội làm việc từ 6 giờ đến 22 giờ, phân công nhau quản lý các tuyến phố trong thị trấn Sa Pa. Nhiệm vụ của họ là thường xuyên tuần tra nhắc nhở người dân đỗ xe, bán hàng đúng nơi quy định; không đi theo chèo kéo du khách. Ngoài ra, Đội Quy tắc còn tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường tại các điểm bán hàng và hè phố; đồng thời có thể xử lý những trường hợp vi phạm trong phạm vi thẩm quyền cho phép.

Ông Trần Văn Thơ, Phó đội trưởng Đội Quy tắc thị trấn Sa Pa cho biết: Công việc hàng ngày của anh em là đi hết các dãy phố trong thị trấn để nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Thời gian này, đang vào vụ thu hoạch nên nông dân ở các xã lên thị trấn bán rau quả nhiều, bà con bày cả trong khu công viên, vườn hoa - khu vực cấm bán hàng. Chúng tôi đành phải linh động để bà con tiêu thụ nông sản, nhưng vẫn tập trung tuyên truyền giữ gìn vệ sinh chung.

Ông Thơ chia sẻ thêm: Ban đầu, tuyên truyền người dân chấp hành các quy định rất khó khăn, bởi trình độ dân trí của bà con chưa đồng đều. Chỉ cần bán được hàng nên bà con đã bán hàng rong trên phố, vào cả các nhà hàng, khách sạn và đi theo khách để bán hàng, gây phản cảm cho du khách. Các điểm bán hàng tạm thì mọc lên tràn lan, cản trở giao thông. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, chúng tôi thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt, dần dần bà con chấp hành khá tốt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sa Pa khẳng định: Để đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện xây dựng các tuyến phố văn minh, xanh - sạch - đẹp, thị trấn Sa Pa đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp. Địa phương duy trì ngân sách trả lương cho Đội Quy tắc để tuyên truyền nhân dân giữ gìn trật tự trên địa bàn. Chính quyền còn vận động các hộ dân ở các tổ dân phố giữ gìn vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Do lượng người bán hàng rong đông, trong khi chưa đủ điểm bán hàng, trước mắt thị trấn tạm cho phép bà con các dân tộc địa phương ngồi bán hàng ở khu vực sân Quần nhằm hạn chế tình trạng đeo bám khách.

Thời điểm này, du khách lên vùng du lịch Sa Pa có thể cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt so với những năm trước đây. Tuyến phố Cầu Mây đã hạn chế tình trạng ô tô, xe máy đỗ tràn xuống lòng đường và trả khách không đúng nơi quy định. Hiện tượng người bán rong đứng ở điểm trả khách để mời chào bán hàng đã giảm rất nhiều. Một số điểm nơi bà con bán nông sản, cuối buổi chợ đều được dọn dẹp sạch sẽ để đường thông, hè thoáng và đảm bảo môi trường... Những kết quả này có được là nhờ các nhân viên trong Đội Quy tắc luôn có mặt kịp thời chấn chỉnh góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy định của người dân.

Có thể nhận thấy, việc "nhặt sạn" trên vùng du lịch còn nhiều khó khăn, nhưng với kết quả đạt được trong thời gian qua, Sa Pa đang từng bước lấy lại hình ảnh đẹp trong lòng du khách./.